Làng làm bánh tét xanh như ngọc ở Quảng Trị

Cả làng Đại An Khê có 10 hộ dân làm bánh tét xanh quanh năm (Ảnh: Hoàng Táo)

Tận dụng bánh mì cũ để làm toast chiên ngọt lịm

Làm bánh kim chi cho bữa sáng nhanh gọn

Mẹo "cấp cứu" khi làm bánh mà thiếu nguyên liệu

Làm bánh bao siêu nhanh với nồi cơm điện

Cứ mỗi dịp cận Tết Nguyên đán, làng Đại An Khê (xã Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị) lại tất bật vào vụ gói bánh tét. Chiếc bánh có hình nửa vòng cung, nếp được nhuộm nước lá để có màu xanh như ngọc bích. Vì hình dạng khác lạ nên dân làng gọi là bánh tét mặt trăng.

Bà Nguyễn Thị Thuấn, 80 tuổi, cho hay gia đình 3 đời gói bánh tét mặt trăng. Nhiều ngày nay, bà cùng hai con gái chuẩn bị đầy đủ nếp, đậu xanh, thịt heo và lá chuối để gói 500 cặp bánh phục vụ Tết. 

Tương tự, gia đình ông Đào Bá Vây cũng nhiều đời gói bánh tét xanh. “Từ khi tôi sinh ra, ba mẹ, ông bà nội đã gói bánh này, nên không nhớ rõ bánh có nguồn gốc từ khi nào”, ông Vây nói.

Một nguyên liệu không thể thiếu là lá rau ngót, giúp chiếc bánh có màu xanh như ngọc bích. Người dân xay nhuyễn lá ngót, lấy nước trộn với nếp trắng. Ngoài màu xanh ngọc bích, ông Vây cho hay nước lá ngót chứa nhiều dinh dưỡng, khi trộn vào vừa làm mềm bánh, vừa cho vị ngon khác lạ, có ích cho sức khoẻ.

Nhân được làm bằng đậu xanh luộc mềm, chà mịn đem xào với hành, tiêu, dầu ăn… Chiếc bánh được bàn tay những người làm nghề gói khéo léo để có hình bán nguyệt.

Bí quyết của chiếc bánh màu xanh là trộn nước lá ngót với nếp trắng. Ảnh: Hoàng Táo

Khi bánh nấu xong, cắt thành lát bày ra dĩa, hòa trộn màu xanh của nước lá rau ngót, màu vàng của nhân đậu xanh, chiếc bánh như một tác phẩm nghệ thuật. Bánh hòa quyện mùi thơm của hành, cay của tiêu, béo của đậu và thơm của nếp cùng nước lá rau ngót, ăn rất ngon. 

“Người dân mong muốn sự thanh bình, yên ả của làng quê nên mượn màu xanh lá ngót để tượng trưng sự bình yên này, mượn hình bán nguyệt tượng trưng cho mảnh trăng treo trên lũy tre đầu làng, biểu hiện sự no ấm”, ông Vây lý giải về hình tượng chiếc bánh đặc sắc của làng Đại An Khê.

“Khi gói 2 chiếc bánh thành một cặp còn tượng trưng cho sự hòa hợp, hạnh phúc của vợ chồng”, người đàn ông tuổi ngũ tuần nói.

Cả làng Đại An Khê đều có tục gói bánh tét nửa vòng cung mỗi dịp Tết về và chỉ có khoảng 10 hộ làm nghề này quanh năm. Trong đó, hộ ông Vây gói nhiều bánh nhất làng Đại An Khê, mỗi ngày phục vụ hàng trăm bánh cho thị trường Quảng Trị, xuất bán tận Hà Nội, TP.HCM và ra cả nước ngoài như Thái Lan, Nga…

Chiếc bánh có hình nửa vòng cung, màu xanh như ngọc bích. Ảnh: Hoàng Táo

Để có lá ngót nhuộm bánh, vợ chồng ông trồng một vườn cây ngót nhưng vẫn không đủ. Bà Lê Thị Lý, vợ ông Vây, cho hay cả nhà đi thu mua lá ngót khắp tỉnh mới đủ nhu cầu.

Ngoài dịp Tết là cao điểm, các dịp khác cũng cần nhiều bánh như rằm tháng giêng, mùa Vu lan, Tết Trung thu... Mỗi chiếc bánh thành phẩm có trọng lượng 1,3 - 1,4kg, với giá bán 45.000 - 50.000 đồng mỗi chiếc tùy hộ làm.

Ông Lê Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Hải Thượng cho hay bánh tét vầng trăng có màu xanh là sản vật riêng có của địa phương. Tuy nhiên, người dân chưa quen với việc chào bán rộng rãi nên số lượng tiêu thụ chưa nhiều, chủ yếu lấy công làm lãi.

“Chúng tôi hướng đến thành lập tổ hợp tác để người dân giúp nhau quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, từ đó khuếch trương thương hiệu”, ông Anh nói.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn