Thủ tướng: Xác định chiến lược phòng dịch lâu dài, không chủ quan, mất cảnh giác

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với 20 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng: Phải sẵn sàng hỗ trợ khi người dân gọi điện đến đường dây nóng

Thủ tướng: Bình Dương cố gắng trở lại bình thường mới vào 15/9

Thủ tướng: TP.HCM phải tận dụng "thời gian vàng" để đẩy lùi dịch bệnh

Thủ tướng làm Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 226/TB-VPCP ngày 30/8/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến với 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương, nhất là lãnh đạo cấp cơ sở cần quán triệt sâu sắc, thấm nhuần tinh thần chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 86/NQ-CP, Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 và Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021. 

Cụ thể: Khi dịch bệnh bùng phát, triển khai ngay thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu ở đó”, đặc biệt cách ly triệt để, chặt chẽ, nghiêm ngặt các ổ dịch, nguồn lây; tranh thủ “thời gian vàng” thực hiện giãn cách, tổ chức triển khai xét nghiệm thần tốc trên diện rộng để nhanh chóng phát hiện, tách nguồn lây (F0) ra khỏi gia đình, cộng đồng để phân loại, chăm sóc, điều trị kịp thời, hiệu quả; rút ngắn chu kỳ xét nghiệm bao phủ và trả kết quả; ngăn chặn, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra vùng nông thôn nơi có hạ tầng y tế còn hạn chế; tổ chức ưu tiên tiêm chủng an toàn, hiệu quả cho các đối tượng cần thiết theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình thực tế tại địa phương. 

Khi thực hiện giãn cách, phải bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, lưu ý hỗ trợ người không có điều kiện, thiếu lương thực, thực phẩm, người yếu thế, những người “lang thang, cơ nhỡ”, kể cả các gia đình có điều kiện nhưng có khó khăn mặt nào thì hỗ trợ mặt đó.

Về y tế, tiến hành phân loại, quản lý chăm sóc, thu dung, điều trị ca bệnh ngay tại cơ sở, tại các trạm y tế lưu động để giảm ca bệnh nặng, giảm tử vong; phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, không để quá tải y tế ở tuyến trên; kết hợp Đông y và Tây y, áp dụng các phương pháp cổ truyền với hiện đại trong điều trị.

Bên cạnh đó, tuyên truyền “vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất”; tổ chức tiêm vaccine khoa học, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu, chú ý tiêm vaccine, xét nghiệm cho người làm dịch vụ vận chuyển, công nhân; tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước nhưng phải tuân thủ hướng dẫn, quy định, quy trình của cơ quan chuyên môn và hội đồng khoa học; tiếp tục thực hiện hiệu quả biện pháp 5K và các giải pháp công nghệ khác.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương nghiên cứu di dời một bộ phận dân cư tại các khu vực có mật độ dân cư cao, khu nhà trọ đông người, khu tập trung nhiều người nghèo, chật chội... đến các địa điểm thông thoáng, an toàn như trường học, cơ sở lưu trú, nhà văn hóa... để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.

Không ban hành "giấy phép con", kiện toàn tổ chức Ban chỉ đạo phòng, chống dịch 

Thủ tướng khuyến khích thực hiện duy trì, phát triển sản xuất tuy nhiên phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch nghiêm ngặt theo quy định. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan phải hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai tổ chức sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nhất là những doanh nghiệp có điều kiện và tự nguyện tổ chức sản xuất, kinh doanh

Bảo đảm thông suốt các chuỗi cung ứng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương không quy định riêng, không ban hành các “giấy phép con” làm cản trở việc lưu thông hàng hóa trên toàn quốc. Áp dụng triệt để các biện pháp công nghệ quản lý, ban hành quy định quản lý đi lại trong thời gian giãn cách xã hội tại các địa phương. Căn cứ tình hình cụ thể, giao cho một cơ quan quản lý ban hành, giao cho cơ quan công an thống nhất quản lý, cấp giấy phép đi lại.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch, đời sống tinh thần cho người dân, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội. Cần truyền thông đúng về quy mô dịch bệnh và dự báo thiệt hại không thể tránh khỏi trước khi nó xảy ra để kỳ vọng đúng cho những gì sắp tới và chuẩn bị tâm thế, giải pháp phù hợp; có chương trình hướng dẫn người dân phòng, chống dịch COVID-19.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương kiện toàn Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Chỉ huy trưởng; có quy chế làm việc, phân công trách nhiệm cho rõ ràng; có cơ chế giao ban của các cấp, báo cáo cấp trên trực tiếp hàng ngày; tổ chức ứng trực, tiếp nhận, xử lý mọi thông tin 24/24, nhất là đối với người dân.

Hiệp Nguyễn H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn