Cách ứng phó với căng thẳng tinh thần khi điều trị COVID-19 tại nhà

F0 có thể yên tâm điều trị tại nhà với sự trợ giúp của nhân viên y tế - Ảnh: Báo Thanh Niên

Tiền Giang, Long An giãn cách một số khu vực đến giữa tháng 9

Việt Nam tiếp nhận 250.800 liều vaccine COVID-19 do Cộng hòa Czech tài trợ

TP.HCM triển khai ứng dụng tìm giường bệnh và oxy cho F0

WHO: 2 kịch bản COVID-19 tương lai và cảnh báo nguy cấp tới Châu Á - Thái Bình Dương

Căng thẳng tinh thần và cách ứng phó

Trong quá trình cách ly, điều trị tại nhà, người nhiễm COVID-19 (hay F0) có thể gặp triệu chứng căng thẳng tinh thần như: Sợ hãi, lo lắng về sức khỏe của bản thân và người thân; Thay đổi thói quen ngủ, khó ngủ hoặc khó tập trung; Ăn uống kém, chán ăn...

Các bệnh mạn tính (tiêu hóa, tim mạch), bệnh tâm thần có thể trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng, lo âu. Ngoài ra, nhiều người có xu hướng uống rượu, hút thuốc hoặc sử dụng thuốc nhiều hơn.

Để ứng phó với căng thẳng tinh thần, F0 khi điều trị tại nhà nên tránh xem, đọc hoặc nghe những câu chuyện tin tức về dịch COVID-19, nhất là các nguồn tin không chính thống trên các mạng xã hội: Zalo, Facebook, YouTube, Tiktok…

F0 điều trị tại nhà nên tránh tiếp xúc với tin tức về dịch COVID-19 trên mạng xã hội

Để chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bản thân, bạn có thể thực hiện một số biện pháp như:

- Hít thở sâu hoặc thực hành thiền.

- Cố gắng ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng.

- Tập thể dục thường xuyên, vừa sức, không thức khuya.

- Tránh sử dụng rượu/bia, thuốc lá, thức ăn, nước uống có chứa chất kích thích.

F0 điều trị tại nhà nên dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn, cố gắng thực hiện một vài hoạt động mà bản thân yêu thích như: Đọc sách, vẽ, xem phim, nghe nhạc, làm mô hình, nấu ăn (nếu có thể)…

Nếu tình trạng căng thẳng tinh thần ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày trong nhiều ngày liên tiếp, đừng ngần ngại liên hệ với nhân viên y tế phụ trách. Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng khuyến cáo người bệnh tăng cường giao tiếp, kết nối, tâm sự với những người khác để giải tỏa những lo lắng.

Chăm sóc trẻ em bị nhiễm COVID-19

Cha mẹ, người thân cần giữ bình tĩnh khi con nhiễm COVID-19 và tự tin vào khả năng chăm sóc của mình. Trong quá trình theo dõi trẻ tại nhà, hãy để ý xem trẻ có thay đổi hành vi hay không, đặc biệt là:

- Khóc hoặc cáu gắt quá mức ở trẻ nhỏ.

- Lo lắng hoặc buồn thái quá.

- Thói quen ăn uống hoặc ngủ không lành mạnh.

- Dễ cáu và hành vi “cư xử không đúng đắn” ở thanh thiếu niên.

- Kết quả học tập kém hoặc trốn tránh tham gia học trực tuyến.

- Khó chú ý và tập trung.

- Bỏ tham gia các hoạt động trẻ từng thích trước đây.

- Nhức đầu hoặc đau nhức cơ thể không rõ nguyên nhân.

- Với trẻ lớn, cần đề phòng biểu hiện lạ như uống rượu, hút thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc khác.

Phụ huynh giúp trẻ đang điều trị tại nhà duy trì học trực tuyến và nghỉ ngơi hợp lý

Một trong những việc phụ huynh, người chăm sóc nên làm để hỗ trợ trẻ nhiễm COVID-19 là tâm sự, giải đáp thắc mắc và chia sẻ thông tin thực tế về dịch COVID-19. Tuy nhiên, nếu trẻ không thích và hoảng sợ trước các tin tức trên, cả gia đình nên hạn chế đề cập đến các thông tin này.

Trong quá trình cách ly điều trị tại nhà, phụ huynh nên giúp trẻ duy trì những thói quen bình thường, lập thời gian biểu cho các hoạt động học tập, nghỉ ngơi hoặc các hoạt động giải trí. Tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động giải trí trong phòng cách ly phù hợp.

Cha mẹ, người chăm sóc cần hướng dẫn trẻ các hành động hàng ngày để giảm sự lây lan của mầm bệnh như: Rửa tay thường xuyên; Sử dụng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt khăn giấy vào thùng đựng chất thải.

Cách xử trí triệu chứng sốt cao tại nhà:

• Đối với người lớn: Khi sốt trên 38.5°C hoặc đau đầu, đau người nhiều, bạn có thể uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g (hay 500mg), có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày uống không quá 4 viên. Uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.

• Đối với trẻ em: Khi con sốt trên 38.5°C, phụ huynh nên cho bé uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần.

Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, gia đình nên thông báo ngay cho nhân viên y tế quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để xử lý kịp thời. Với triệu chứng ho, người bệnh cần dùng thuốc giảm ho theo đơn của bác sỹ. Ngoài ra, để nâng cao thể trạng, bạn có thể dùng thêm các vitamin theo đơn thuốc của bác sỹ.
Quỳnh Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn