Cứu sống bé trai 13 tuổi ngừng tim, hôn mê sâu vì bị bạn đá bóng trúng bụng

Bé trai ở Hà Nội được chẩn đoán hôn mê sau ngừng tuần hoàn do bị bóng đá trúng

Ứng dụng kỹ thuật mới lần đầu tiên tại Việt Nam trong chỉnh hình cong vẹo cột sống

Liên tục tiểu ra máu, thai phụ 32 tuần bị dị dạng mạch thận hiếm gặp

BV Bạch Mai áp dụng 2 kỹ thuật mới giúp chẩn đoán và điều trị ung thư vú

Chuyên gia Pháp khám miễn phí cho bệnh nhân phẫu thuật cổ bàn chân và ung bướu xương khớp

Theo lời kể của người thân, vào ngày 29/11/2019, trong khi đang chơi bóng đá ở sân trường, cháu V.Đ.H (nam, 13 tuổi), học sinh trường THCS và PTTH Lômônôxốp, Hà Nội đã bị một quả bóng sút trúng vào vùng bụng. Ngay sau đó cháu khó thở, mất ý thức và được đưa vào Bệnh viện Thể thao lúc 10 giờ 12 phút cùng ngày trong tình trạng ngừng tuần hoàn (ngừng thở, ngừng tim).

Sau khoảng 35 phút được các bác sĩ tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, tim cháu đã đập lại. Cháu được chuyển tới Khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu: Glasgow 3 điểm, tụt huyết áp, nhịp tim không đều, đồng tử mắt hai bên đáp ứng kém. Cháu bé được chẩn đoán "Hôn mê sau ngừng tuần hoàn" phải bóp bóng qua ống nội khí quản và duy trì truyền adrenalin tĩnh mạch.

Lãnh đạo khoa Cấp cứu cùng các bác sĩ đã hội chẩn với chuyên gia Viện tim mạch Việt Nam và khoa Nhi để tìm phương án tối ưu nhất

Nhận thấy cháu bé có nhiều cơ hội hồi phục, các chuyên gia thống nhất cần áp dụng ngay các biện pháp hồi sức và kỹ thuật cao để cứu bằng được cháu bé, đặc biệt là áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt (kỹ thuật làm lạnh cơ thể bảo vệ não).

Gia đình và nhà trường cảm ơn các bác sĩ khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai (Ảnh: BVCC)

PGS.TS Nguyễn Văn Chi, lãnh đạo khoa Cấp cứu A9 cho biết, sau khi bị ngừng tim, bệnh nhi đã được cấp cứu thành công, tim đã đập trở lại, có mạch và huyết áp nhưng không tỉnh lại, vẫn hôn mê. Lúc này, việc tiến hành các biện pháp làm hạ nhiệt độ cơ thể sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp não bớt phù nề, bớt viêm và tưới máu não tốt giúp tế bào não phục hồi tốt hơn.

Nếu sử dụng các pháp thông thường như chườm đá, truyền nước lạnh, nhiệt độ có thể hạ nhưng không kiểm soát được nhiệt độ một cách chính xác nên hiệu quả rất hạn chế.

Tuy nhiên, BS. Chi có cho biết, trong quá trình điều trị, diễn biến bệnh nhân rất phức tạp, đặc biệt là tình trạng rối loạn nhịp tim, hết ngoại tâm thu thất dày lại chuyển sang nhịp nhanh trên thất có kèm block nhánh phải. Nhiều cuộc hội chẩn toàn viện đã được thực hiện ngay tại giường bệnh. Sang ngày điều trị thứ 5 - kết thúc kỹ thuật hạ thân nhiệt, mặc dù huyết áp vẫn còn phụ thuộc vào thuốc trợ tim nhưng bệnh nhi đã có dấu hiệu tỉnh lại. Bệnh nhi được cai thở máy và rút ống nội khí quản.

Cuối cùng, sau hai tuần điều trị, bệnh nhi đã nói được, trí nhớ phục hồi. Ngày 15/12, cháu bé đã được ra viện về nhà đoàn tụ với gia đình trong niềm vui vỡ òa của tất cả các thầy thuốc nơi đây. Đó cũng thực sự là một phần thưởng vô giá đối với tập thể các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, của nhà trường và gia đình. Đây cũng là kết quả của sự phối hợp hiệu quả của các chuyên gia, chuyên khoa tại Bệnh viện Bạch Mai.

Cấp cứu bệnh nhân hôn mê sau ngừng tim bằng phương pháp hạ thân nhiệt là kỹ thuật đã được thực hiện trên thế giới, được Hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng, bởi nó làm tăng khả năng cứu sống và giảm di chứng tàn phế cho người bệnh. Tại Việt Nam, Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai là đơn vị đi tiên phong trong việc thực hiện thành công kỹ thuật này từ đầu tháng 5/2015 và đã đem lại cơ hội sống cho hàng trăm bệnh nhân.
Nguyên Hương H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn