Có cần thiết xét nghiệm dị ứng trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19?

Hàng nghìn công nhân ở Bắc Ninh, Bắc Giang được tiêm vaccine phòng COVID-19 - Ảnh: TTXVN

Thêm 1 triệu liều vaccine Nhật hỗ trợ sắp về Việt Nam

Hà Nội triển khai tiêm chủng diện rộng, người dân đăng ký thế nào?

Việt Nam vượt mốc 30.000 ca COVID-19, Hà Nội tiếp tục ghi nhận các ca dương tính

Phụ nữ dự định có thai, đang mang thai và đang cho con bú có nên tiêm vaccine COVID-19?

Trên mạng xã hội đang lan truyền một bài viết được cho là trải nghiệm của một người dân khi đi tiêm vaccine COVID-19 tại 1 bệnh viện công tại Hà Nội. Người này có tiền sử dị ứng khi ăn ba ba, cua đá bị đau bụng buồn nôn, nổi mề đay và hơi phù mặt.

Bác sỹ kết luận người này có nguy cơ phản vệ giữa độ 1 và độ 2, khuyến nghị nên test dị ứng trước khi tiêm với giá hơn 1,1 triệu đồng. Theo lời kể của người này, chị đã may mắn thực hiện test dị ứng trước khi tiêm, nhờ đó phát hiện ra nguy cơ sốc phản vệ khi tiêm vaccine. Câu chuyện được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt với người chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19, người có cơ địa dị ứng.

Giải đáp về vấn đề này với báo điện tử Infonet, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khuyến cáo việc xét nghiệm dị ứng trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19.

Công tác khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 - Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Chia sẻ với VnExpress, Bác sỹ Trương Hữu Khanh - Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM) cho hay, các xét nghiệm đông máu, xét nghiệm dị ứng… trước tiêm không có ý nghĩa "tiên đoán" phản ứng sau tiêm.

WHO, các tổ chức uy tín khác như CDC (Mỹ), UNICEF... cũng không khuyến cáo làm các xét nghiệm này trước khi tiêm chủng, bởi chúng gây lãng phí nguồn lực và không có nhiều giá trị, trừ khi người đi tiêm chủng thật sự đang mắc bệnh. Việc khám sàng lọc trước tiêm cũng có thể đánh giá khả năng có được tiêm hay không, miễn là người được tiêm khai báo trung thực thông tin bệnh sử của bản thân.

Chung quan điểm trên, TS.BS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc cho biết, Bộ Y tế cấm mọi hành vi xét nghiệm dị nguyên trước khi tiêm vaccine COVID-19 để thu tiền người tiêm.

Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Bộ Y tế có quy định các đối tượng cần thận trọng khi tiêm chủng, trong đó người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên. 

Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn rõ ràng: Những trường hợp có tiền sử dị ứng nặng (phản vệ từ độ 2 trở lên), do mọi nguyên nhân đều không được chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo WHO, vaccine là vũ khí để chấm dứt đại dịch COVID-19. Vaccine phòng COVID-19 không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm mà còn giúp hệ thống y tế tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường.

Để đảm bảo an toàn cho người được tiêm vaccine COVID-19, ngành y tế Việt Nam đã triển khai quy trình khám sàng lọc, theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khỏe trước và sau tiêm. Người dân không nên trì hoãn hoặc chờ đợi vaccine mà cần sẵn sàng thực hiện tiêm chủng ngay khi có cơ hội.

Sáng 10/7, nước ta đã chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử - tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả người dân trên 18 tuổi. TP Hà Nội hiện đang triển khai đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 diện rộng với người dân từ 18-65 tuổi.

Quỳnh Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn